RÀ SOÁT, CẬP NHẬT, PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

Tổng hợp một số điểm mới tiêu biểu của Luật Nhà ở 2023 so với Luật Nhà ở 2014 (02-02-2024)

Để Quý Khách Hàng có sự chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, Đất Luật trân trọng gửi đến Quý Khách Hàng chuyên đề "TỔNG HỢP MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TIÊU BIỂU CỦA LUẬT NHÀ Ở NĂM 2023 SO VỚI LUẬT NHÀ Ở NĂM 2014" với một số nội dung tiêu biểu như sau:

  1. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở
    • Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
    • Tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc xác định các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án, các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân tự xây dựng nhà ở.
    • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phát triển trong dự án sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
    • Đồng nhất quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư giữa Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đầu tư năm 2020.

(…)

  1. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở THƯƠNG MẠI
    • Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải có đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở trong phạm vi dự án.
    • Chủ đầu tư chỉ bàn giao nhà ở sau khi đã hoàn thành xây dựng công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở theo tiến độ được phê duyệt.

(…)

  1. PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI
    • Không còn quy định phần diện tích tối thiểu mà chủ đầu tư phải dành ra để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.
    • Đồng nhất quy định đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo pháp luật về đấu thầu.
    • Không còn bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê.
    • 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để kinh doanh dịch vụ, thương mại được hạch toán riêng, không tính chi phí đầu tư xây dựng công trình này vào giá nhà ở xã hội và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích 20% này.
    • Không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
    • Giá bán nhà ở xã hội bao gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp thay vì chỉ được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), lợi nhuận định mức.
    • UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án thay vì xem xét hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đấu nối.
    • Thời điểm xác định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội là thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở
    • Chủ đầu tư và khách hàng được thỏa thuận giá thuê nhà ở xã hội dựa trên khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
    • Người mua nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau 05 năm kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở xã hội.

(…)

  1. HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở
    • Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
    • Chỉ được phân chia tiền hoặc cổ phiếu cho bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết.
    • Huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được Luật nhà ở năm 2023 thừa nhận.
    • Tiền trả chậm, trả dần của khách hàng theo hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng là nguồn vốn để phát triển nhà ở thương mại.
  2. GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở
    • Người thuê mua được thanh toán trước cho bên cho thuê mua theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị nhà ở thuê mua (thay vì phải thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị nhà ở thuê mua).
    • Hợp đồng mua bán nhà ở được lập thành hợp đồng mẫu được sử dụng để ký kết trong giao dịch kinh doanh bất động sản.
    • Được áp dụng quy định của pháp luật dân sự, kinh doanh bất động sản,… trong thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thay vì chỉ được áp dụng quy định tại Luật Nhà ở.

(…)

  1. SỞ HỮU NHÀ Ở
    • “Hộ gia đình” không còn là đối tượng được sở hữu nhà ở.
    • Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở đối với trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở; các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
  2. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ Ở
    • Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.
    • Cho phép chuyển đổi công năng nhà ở.
    • Chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm quản lý và bảo trì sau khi hoàn thành dự án.
  3. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ CHUNG CƯ
    • Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: không đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì không đúng quy định của pháp luật về nhà ở; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư,…
    • Ban quản trị nhà chung cư chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023 và quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư.

Nội dung chi tiết, Quý Khách Hàng vui lòng tham khảo tại đây. Các chuyên đề chuyên sâu có liên quan đến các quy định mới, Đất Luật sẽ tiếp tục cập nhật đến Quý Khách Hàng trong thời gian tới.