Chuyên đề pháp lý

Chuyên đề Chấm dứt HDLD và các khoản phải chi trả khi chấm dứt HĐLĐ (cập nhật 01-03-2021)

CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ CÁC KHOẢN PHẢI CHI TRẢ KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

(Cập nhật ngày 01/3/2021)

 

  1. Người lao động (NLĐ) là người quản lý doanh nghiệp hoặc làm một số ngành, nghề, công việc đặc thù khác làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước ít nhất là 120 ngày (thay vì 45 ngày hay 30 ngày theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012). Còn đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng với nhóm đối tượng lao động như trên thì thời hạn phải thông báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ ít nhất là ¼ thời gian theo HĐLĐ.
  2. Nhiều trường hợp NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ ngay lập tức mà không cần phải tuân thủ theo thời hạn báo trước (thay vì chỉ có 1 trường hợp là thử việc không đạt yêu cầu thỏa thuận theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012):
  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận trừ các trường hợp chuyển NLĐ làm công việc khác khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn trừ trường hợp bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn;
  • Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc[1].
  • Đủ tuổi nghỉ hưu[2], trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  1. Bổ sung thêm 2 trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ mà không cần phải báo trước cho NLĐ:
  • NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ;
  • NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
  1. Thời gian thanh toán trợ cấp thôi việc tăng từ 07 ngày lên 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ so với pháp luật lao động 2012.

Do đó, để thuận tiện cho Quý Khách Hàng nắm bắt và áp dụng các quy định mới nhất của pháp luật lao động 2019, Đất Luật tiếp tục cập nhật và hệ thống các nội dung của Bộ luật Lao động 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP[3] cũng như các vấn đề liên quan đến chấm dứt HĐLĐ và các khoản phải chi trả khi chấm dứt HĐLĐ vào chuyên đề này. Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng tham khảo nội dung dưới đây.

 

  1. CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ THỜI HẠN BÁO TRƯỚC

STT

Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ

1

Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ.

2

Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

3

Hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.

4

NLĐ bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự , tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5

NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6

NLĐ chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7

NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8

NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải.

9

NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ[4].

10

NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ[5].

11

NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

(Về nội dung chi tiết, Quý Khách hàng vui lòng tham khảo chuyên đề CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DO THAY ĐỔI CƠ CẤU CÔNG NGHỆ HOẶC VÌ LÝ DO KINH TẾ đã được Đất Luật gửi Quý Khách hàng).

NSDLĐ cho NLĐ thôi việc khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

12

Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam[6].

13

Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

Lưu ý[7]

  1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
  • NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
  • NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì vì lý do kinh tế;
  • Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
  1. Tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, HĐLĐ được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
  2. NSDLĐ có trách nhiệm:
  • Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu NSDLĐ đã giữ của NLĐ;
  • Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do NSDLĐ trả.
  1. Chấm dứt HĐLĐ do NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ[8]
    • Thời hạn báo trước khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

STT

Loại HĐLĐ

Thời gian báo trước

Đối với NLĐ không phải là người quản lý doanh nghiệp hoặc làm việc theo HĐLĐ không thuộc ngành, nghề, công việc đặc thù

1

HĐLĐ không xác định thời hạn.

Ít nhất 45 ngày

2

HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Ít nhất 30 ngày

3

HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Ít nhất 03 ngày làm việc

Đối với người quản lý doanh nghiệp và một số ngành, nghề, công việc đặc thù khác[9].

1

HĐLĐ không xác định thời hạn.

Ít nhất 120 ngày

2

HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng trở lên.

3

HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

Ít nhất ¼ thời hạn của HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng

  • NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần phải báo trước trong các trường hợp sau[10]:

STT

Các trường hợp NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước

1

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thoả thuận, trừ trường hợp chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh[11].

2

Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lí do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn[12].

3

Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

4

Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc

5

Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi[13].

6

NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, BHXH, BHYT, BHTN, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.

7

Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của BLLĐ 2019[14], trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (thông tin chi tiết về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Quý Khách Hàng vui lòng tham khảo chuyên đề “TỔNG HỢP MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TIÊU BIỂU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019” đã được chúng tôi cập nhật đến Quý Khách Hàng).

  • NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật có các nghĩa vụ sau:
  • Không được trợ cấp thôi việc.
  • Phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.
  • Hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo (nếu có[15]).
    • NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc đối với các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ được nêu tại Mục 2.1 và 2.2 nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).
  1. Chấm dứt HĐLĐ do NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ
    • NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp sau[16]:

STT

Các trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ

1

NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do NSDLĐ ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

2

NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

3

Do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

4

NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ[17].

5

NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của BLLĐ 2019, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

6

NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên[18].

7

NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ[19] làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

  • NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau[20]:
  • NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp tại Mục 2 Bảng 2.1.
  • NLĐ đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được NSDLĐ đồng ý.
  • NLĐ nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
    • NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ phải đáp ứng thời hạn báo trước cho NLĐ như sau[21]:

STT

Loại HĐLĐ

Thời gian báo trước

Đối với NLĐ không phải là người quản lý doanh nghiệp hoặc làm việc theo HĐLĐ không thuộc ngành, nghề, công việc đặc thù

1

HĐLĐ không xác định thời hạn.

Ít nhất 45 ngày

2

HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Ít nhất 30 ngày

3

HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Ít nhất 03 ngày làm việc

Đối với người quản lý doanh nghiệp và một số ngành, nghề, công việc đặc thù khác.

1

HĐLĐ không xác định thời hạn.

Ít nhất 120 ngày

2

HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng trở lên.

3

HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

Ít nhất ¼ thời hạn của HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng

Lưu ý:

Đối với các trường hợp tại Mục 4, 6,7 Bảng 2.1, NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ ngay mà không cần phải báo trước cho NLĐ.

  • NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật có các nghĩa vụ sau[22]:
  • Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
    • (a1) Sau khi được nhận lại làm việc, NLĐ hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ.
    • (a2) Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.
    • (a3) Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước tại Mục 3.3 thì NSDLĐ phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.
  • Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả tại Mục 2.4.(a), NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc[23] cho NLĐ để chấm dứt HĐLĐ.
  • Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý thì ngoài các khoản tiền phải trả được nêu ở trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.
    • NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc đối với các trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ được nêu tại Mục 2.1 nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên và trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).
  1. TRỢ CẤP THÔI VIỆC
  2. Các trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc
    • Chấm dứt HĐLĐ thuộc một trong các trường hợp sau:
  • NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải.
  • NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
  • Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam[24].
  • Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
    • NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
    • NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
    • NLĐ bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ do tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
  1. Mức trợ cấp thôi việc[25]

Đối với mỗi năm làm việc thì NLĐ được trả nửa (1/2) tháng lương. Theo đó, số tiền trợ cấp thôi việc được tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp thôi việc

=

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

x

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc

x

1/2

Trong đó:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bào hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó. Cụ thể:

  • Tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm:
  • Thời gian NLĐ đã trực tiếp làm việc;
  • Thời gian thử việc;
  • Thời gian được NSDLĐ cử đi học;
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH;
  • Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương;
  • Thời gian ngừng việc không do lỗi của NLĐ;
  • Thời gian nghỉ hằng tuần[26]; nghỉ việc hưởng nguyên lương[27]; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ[28]; thời gian bị tạm đình chỉ công việc[29].
  • Thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian NSDLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian NLĐ thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được NSDLĐ chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của NLĐ được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
  • Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:
  • (d1) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi NLĐ thôi việc, mất việc làm.
  • (d2) Trường hợp NLĐ làm việc cho NSDLĐ theo nhiều HĐLĐ kế tiếp nhau[30] thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng. Trường hợp HĐLĐ cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.
  • TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM
    1. Các trường hợp NLĐ được hưởng trợ cấp mất việc làm[31]

NLĐ làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

  1. Mức trợ cấp mất việc làm[32]

Đối với mỗi năm làm việc thì NLĐ được trả 01 (một) tháng lương, nhưng ít nhất bằng 02 (hai) tháng lương. Theo đó, số tiền trợ cấp mất việc làm được tính theo công thức sau:

Tiền trợ cấp mất việc làm

=

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm

x

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm

 

 

Trong đó:

  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm: Áp dụng tương tự như đối với thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc nêu tại Mục II.2 nêu trên.
  • Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc làm.

Lưu ý: trường hợp NLĐ có thời gian làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp trợ cấp mất việc làm quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ít hơn 24 tháng thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

  1. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Khi bị thôi việc, mất việc làm, NLĐ đủ điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Quý Khách hàng vui lòng tham khảo chuyên để “QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP” đã được Đất Luật cập nhật.